Á Châu xin gửi tới ứng viên, những kĩ thuật viên tương lai của công nghiệp Việt Nam bài viết giới thiệu nghề bảo dưỡng công nghiệp. Nếu bạn đang làm hoặc dự định làm nghề bảo dưỡng công nghiệp website của Á Châu là địa chỉ tin cậy để bạn tìm hiểu và học hỏi điều đó. Để cung cấp những cái nhìn tổng quan về nghề bảo dưỡng công nghiệp Á Châu trích dẫn một bài viết được thu thập. Các bạn có thể tham khảo thêm quán sách " Sổ tay bảo dưỡng công nghiệp tiên tiến" để tìm hiểu sâu hơn nữa về các hình thức bảo dưỡng công nghiệp. Thực trạng bảo dưỡng công nghiệp Việt Nam cũng như trên thế giới.


Nghề Bảo dưỡng Công nghiệp - Bảo mẫu cho những cỗ máy

 Những cỗ máy từ nhỏ bé tinh vi đến to lớn cồng kềnh từ đơn giản đến hiện đại đang ngày đêm hoạt động trong nhà máy phục vụ trong thời đại công nghiệp phát triển hiện nay.  Ai sẽ là người chăm sóc chúng? Đó chính là những người Bảo dưỡng Công nghiệp (BDCN) - bà bảo mẫu cho những cỗ máy.

Bảo dưỡng công nghiệp- vị trí quan trọng trong xí nghiệp

Vị trí của kỹ thuật viên (KTV) trong nhiều chuyên ngành do mức độ chuyên môn và số lượng KTV tay nghề cao thì vai trò KTV còn được gọi là chuyên viên hay chuyên gia.  BDCN luôn là vị trí quan trọng trong các dây chuyền sản xuất của các nhà máy công nghiệp. Họ là người đảm bảo sự vận hành trơn tru và liên tục của toàn bộ hệ thống máy móc. BDCN không chỉ đơn thuần là sửa chữa máy móc trong phân xưởng. Đó còn là cả một quá trình đo đạc, theo dõi, tính toán, lên kế hoạch và cuối cùng là sữa chữa thay thế. KTV BDCN phải theo dõi định kỳ chế độ làm việc của từng máy, từng bộ phận và toàn bộ hệ thống máy móc trong phân xưởng, chuẩn đoán kịp thời các triệu chứng hỏng hóc để lên kế hoạch sửa chữa hoặc thay mới những chi tiết máy bị hao mòn trong quá trình làm việc sao cho kịp thời, phù hợp với kế hoạch sản xuất mà hợp lý nhất, kinh tế nhất.

Một công việc năng động

Mặc dù luôn phải theo dõi tình hình hoạt động của máy móc, nhưng đặc thù của nghề BDCN không bắt buộc KTV phải luôn túc trực ở phân xưởng vì không phải lúc nào máy móc cũng sẵn sàng để hỏng hóc. Thông thường khi không có sự cố đột xuất, máy móc của xí nghiệp được bảo dưỡng một cách định kỳ theo kế hoạch. Vì vậy, một kỹ thuật viên BDCN có thể đảm trách vị trí bảo dưỡng máy cho nhiều xí nghiệp, phân xưởng khác nhau. Công việc của người BDCN vì thế mà trở nên bận rộn và thú vị, cần phải biết sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ ở nhiều nơi. Cũng nhờ vậy mà càng làm việc, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của họ được nâng cao nhanh chóng, mở rộng nhiều mối quan hệ mà không phải công việc nào cũng có được lợi thế này.

Hơn thế nữa, trong thời điểm hiện nay, rất nhiều dự án đầu tư lớn của nước ngoài đang rót vào Việt Nam với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Foxcon, Honda...; hàng loạt nhà máy, khu công  nghiệp được xây dựng… kiến cho nhu cầu về nhân lực BDCN đang rất bức thiết, tiềm năng cho ngành BDCN là rất lớn trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai.

Những tố chất để trở thành KTV BDCN

Bạn không cần phải là một học sinh xuất sắc trong các môn tự nhiên hay phải có cơ bắp thật khỏe mạnh để sửa chữa máy móc. Nghề bảo dưỡng không đòi hỏi KTV phải hiểu biết sâu về nguyên lý thiết kế hay chế tạo máy. Kiến thức được đào tạo trong chuyên ngành là kiến thức hệ cao đẳng, chủ yếu về cấu tạo cơ bản của máy, nguyên lý làm việc cơ bản cùng những phương pháp tính không quá phức tạp. Chương trình học nhiều lý thuyết nhưng luôn có cường độ thực hành rất cao giúp bạn luôn hứng thú. Bạn sẽ không phải lên lớp hàng giờ liền để nghe giảng hay bù đầu giải bài tập khi gần đến kỳ thi mà ngược lại bạn sẽ thường xuyên xuất hiện trong phòng thực hành, xưởng thực tập với những trang thiết bị cần thiết cho việc học tập. Vì vậy, nếu bạn luôn thích tìm tòi máy móc, yêu thích kỹ thuật nhưng thích thực hành hơn lý thuyết, thích thực tập hơn kiểm tra viết thì đây là sự lựa chọn thích hợp cho bạn đấy.

Tuy nhiên làm kỹ thuật thì phải cần thận, tỉ mỉ. Sai sót nhỏ có thể dẫn đến thiệt hại lớn cho cả quy trình, cả hệ thống sản xuất. Muốn làm trong ngành kỹ thuật và đạt được thành công thì bạn phải rèn luyện tính cẩn thận ngay từ bây giờ nhé.

Có khó trở thành KTV BDCN hay không?

Bạn vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh ĐH với kết quả không như mong đợi, bạn đứng trước nhiều lựa chọn nguyện vọng 2 nhưng vẫn băn khoăn chưa tìm được ngành học khối A và về kỹ thuật nào phù hợp với mình. Có thể ngành BDCN này là 1 "cứu cánh" rất tốt cho bạn đấy.

Mặc dù là một nghề rất thú vị với những người yêu kỹ thuật, thích máy móc cùng  một mức thu nhập khá ổn định, nhưng thời gian đào tạo chỉ là ba năm. Hiện nay, ngành BDCN đang là ngành cao đẳng duy nhất của ĐH Bách Khoa TP.HCM với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khá nhiều, khoảng 200 SV. Ngành không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển bằng điểm thiĐH khối A (nguyện vọng 2) điểm chuẩn trúng tuyển từ năm 2003 đến 2007 nằm trong khoảng từ 12 đến 13,5 điểm.

Chương trình đào tạo nghề BDCN

Chương trình đào tạo của trường ĐH Bách Khoa được giảng dạy theo modun - tức là SV sẽ học và hoàn thành từng học phần, tương tự chương trình đào tạo KTV bảo dưỡng cao cấp của Viện ĐH Công nghệ Pháp.

Chương trình đào tạo hệ cao đẳng ngành BDCN kéo dài trong 3 năm (06 học kỳ).
+Tổng số môn học: 56 môn
+Tổng số đơn vị học trình: 175 đơn vị học trình.
+Tổng số tiết học: 3600 tiết, trong đó có 1235 tiết lý thuyết, 750 tiết bài tập và 1575 tiết thực hành.

Ngoài khối kiến thức cơ bản, mỗi SV đều được học lý thuyết và thực hành các chuyên môn: hàn, cơ khí, khí nén, thủy lực, lạnh - điều hòa, điện, điện tử và tự động hóa. Ngoài ra, ngành còn có mối liên hệ chặt chẽ với các xí nghiệp. Nhờ vậy, chất lượng các  đợt tham quan, thực tập kỹ thuật, thực tập tốt nghiệp của SV không ngừng được củng cố và nâng cao. Ngành cũng coi trọng công tác tư vấn kỹ thuật và đào tạo bổ sung cho các KTV, kỹ sư ở các xí nghiệp, nhà máy. Công tác này còn có tác dụng thúc đẩy và tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy của trung tâm phát triển về chuyên môn và nghiệp vụ.